Hệ thống treo ô tô là bộ phận phải làm việc liên tục, ngay cả khi xe ô tô dừng nghỉ, thì những cơ cấu vẫn phải làm việc cho đến lúc được thay thế mới nếu chúng hư hỏng. Đặc biệt là ở Việt Nam, khi mà cơ sở đường xá đang không được tốt, thì việc sửa chữa hệ thống treo đang có tần suất khá cao.
Ngày nay, chúng ta có thể nhận thấy hệ thống này đang ngày càng được phát triển. Với nhiều xe đã trang bị thêm hệ thống treo điện tử trên ô tô, thay vì những hệ thống cơ như ngày trước, giúp cho xe hoạt động linh hoạt hơn.
I. Hệ thống treo ô tô là gì?
Hệ thống treo của xe ô tô đảm nhận nhiệm vụ giúp chiếc xe vận hành ổn định và êm ái, ngay cả khi di chuyển qua những đoạn đường xấu. Từ khi hình thành cho tới nay, hệ thống treo xe ô tô luôn được các nhà sản xuất không ngừng nâng cấp và phát triển để mang lại tính hiệu quả và tuổi thọ tốt nhất. Thế nhưng chúng vẫn không thể tránh khỏi những hư hỏng.
Chúng được cấu tạo từ 3 bộ phận chính: bộ phận đàn hồi (lò xo, nhíp, thanh xoắn, khí nén); bộ phận giảm chấn (với 2 loại là giảm chấn thủy lực và giảm chấn dùng ma sát); và bộ phận dẫn hướng.
Ngày nay, chúng ta cũng có thể phân loại hệ thống treo xe ô tô thành 3 loại phổ biến là: Hệ thống treo phụ thuộc (nối liền với thân xe bởi thanh dầm cầu); hệ thống treo độc lập (với 2 bánh xe được phân tách riêng biệt); và hệ thống treo bán độc lập (cho phép 2 bánh xe hoạt động riêng lẻ nhưng vẫn phụ thuộc vào nhau).
II. Những hư hỏng của hệ thống treo trên ô tô
Khi hệ thống treo oto hư hỏng, chiếc xe sẽ xuất hiện những triệu chứng và tiếng kêu đặc trưng. Chỉ cần bạn chú ý là có thể dễ dàng nhận biết và sớm đưa ra phương án giải quyết kịp thời.
Bài viết sau đây, chúng tôi sẽ nêu lên 6 nguyên nhân khiến hệ thống treo ô tô hư hỏng mà Tuning thường gặp nhất khi sửa chữa, để bạn đọc có thể nắm bắt được tình hình chiếc xe của mình.
1. Lệch góc đặt bánh xe
Góc đặt bánh xe bị lệch sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tình trạng hoạt động của hệ thống treo. Thông thường, các bánh xe luôn cần phải được đặt đúng hướng và căn chỉnh đúng với mọi thông số về góc camber, độ chụm và bánh xe.
Nếu như góc đặt bánh xe bị lệch, tay lái sẽ không được căn chỉnh ở giữa khi bạn di chuyển thẳng về phía trước và độ mòn của lốp sẽ nhiều hơn nên dễ khiến lốp xe hư hỏng.
2. Giảm xóc của hệ thống treo hư hỏng
Bộ giảm chấn của hệ thống treo của xe ô tô đảm nhận nhiệm vụ đưa ra những lực cản để có thể nhanh chóng dập tắt toàn bộ những dao động ở thân xe.
Khi bộ phận này bị mòn và khi bạn di chuyển trên những đoạn đường không bằng phẳng, bạn sẽ nhận thấy chiếc xe trở nên rung lắc và giật nảy nhiều hơn so với thông thường. Bởi chúng không còn khả năng giữ cho lốp xe bám sát trên mặt đường.
Ngoài ra, mòn xylanh, pittong, hở phớt bao kín và chảy dầu cũng khiến hoạt động của bộ giảm xóc kém hiệu quả. Khi phớt đầu bao kín bị hở, dầu sẽ từ đó mà rò rỉ ra ngoài khiến áp suất sụt giảm nhanh chóng, dẫn tới hiệu suất hoạt động của hệ thống treo kém hiệu quả hơn. Từ đó hệ thống treo ô tô cũng nhanh hư hỏng hơn.
3. Hư hỏng lò xe trên hệ thống treo
Trên mỗi chiếc xe, hệ thống bộ phận đàn hồi là bộ phận không thể thiếu. Nó đảm nhận vai trò nâng đỡ trọng lượng cho xe. Khi bộ phận này mòn hay hư hỏng thì chúng sẽ bị trùng xuống.
Khi tình trạng này xảy ra, chiếc xe của bạn sẽ xuất hiện những tiếng kêu khi di chuyển qua những đoạn đường gồ ghề, ổ gà… Ngoài ra, bạn cũng sẽ cảm thấy chiếc xe của mình có một góp thấp hơn so với các góc còn lại.
Những hư hỏng lò xe trên hệ thống treo có thể kể tới như: giảm độ cứng, lỏng, rơ các liên kết, gãy khi tải nặng hay do độ mỏi của vật liệu, vỡ ụ tăng cứng của hệ thống treo làm mềm bộ phận đàn hồi.
4. Rotuyn trụ hư hỏng
Các rotuyn trụ dùng để kết nối hệ thống treo với bánh xe, chúng đảm nhận nhiệm vụ hấp thụ xung lực từ những chấn động khi xe chuyển động lên/xuống, hay quay khi góc lái thay đổi để đảm bảo thân xe hoạt động ổn định.
Các rotuyn này được cấu tạo rất chắc chắn, tuy nhiên sau thời gian dài sử dụng thì chúng cũng sẽ xuất hiện dấu hiệu bị xuống cấp. Cụ thể, sẽ có tiếng kêu cót két ở hệ thống khung gầm, xe chạy bị rung lắc và lốp xe có thể nhanh chóng hư hỏng.
5. Hư hỏng càng A
Càng A được xem là bản lề giữ bánh xe vào khung và kết nối tay lái với bánh xe. Vậy nên, khi bạn quay một trong số các bộ phận trên thì sẽ có sự phản hồi.
Cao su càng A là bộ phận quan trọng nằm trong hệ thống treo ô tô. Tuy nhiên bộ phận này rất dễ bị hao mòn do phải hấp thụ lực khi xảy ra va chạm, từ đó xuất hiện các vấn đề khi vận hành, đồng thời gia tăng tốc độ mài mòn của lốp xe dẫn tới hư hỏng hệ thống treo trên xe ô tô.
Bạn có thể nhận biết hư hỏng thông qua những tiếng kêu lạch cạch hoặc lục cục khi xe tăng tốc hay hay, tay lái lỏng và không chính xác.
6. Thanh cân bằng trên hệ thống treo hư hỏng
Thanh cân bằng đảm nhận nhiệm vụ giữ cho xe không quá nghiêng về một hướng và giảm độ uốn cong của khung xe khi vào cua, từ đó gia tăng khả năng bám đường của bánh xe trong/ngoài khi vào cua.
Nếu như liên kết ở cuối thanh cân bằng bị hỏng, chiếc xe của bạn vẫn có thể di chuyển được. Nhưng chiếc xe sẽ xuất hiện tình trạng rung lắc mạnh khi vào cua.
Một số những hư hỏng phổ biến của thanh cân bằng đó là các gối tựa bằng cao su bị rách, các đòn liên kết bị lỏng lẻo, giảm độ cứng và đây cũng là một lỗi hư hỏng của hệ thống treo trên ô tô. Bạn có thể nhận biết hư hỏng thanh cân bằng như: tiếng kêu rắc rắc, lạch cạch, thiếu sự ổn định lái xe cũng như khi vào cua, tiếng kêu khi đi qua gờ giảm tốc.
Khi hệ thống treo ô tô hư hỏng, chiếc xe sẽ hoạt động thiếu ổn định và mất đi tính an toàn vốn có khi sử dụng xe. Vậy nên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hư hỏng nào ở hệ thống treo xe ô tô, bạn nên nhanh chóng mang xe tới những gara sửa chữa uy tín để được kiểm tra và đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời. Chúc các bạn lái xe an toàn!